Đầu hè, trường mầm non của bà xã tổ chức đi du lịch Đà Lạt. Tôi và 1 ông chồng khác thuộc thành phần ăn theo. Trường toàn cô giáo nên tôi và ông chồng trở thành “mì chính cánh”.Đoàn tới Đà Lạt lúc 15 giờ, nhận phòng xong tôi và ông bạn lang thang ngắm phố phường. Xin phép 2 bà vợ cắt cơm chiều, chúng tôi ghé quán nhậu trong hẻm nhỏ gần khách sạn. Một lẩu và chai rượu nóng được đưa lên, chúng tôi ngồi lai rai trong tiết trời se lạnh.
Cạnh bàn chúng tôi là 2 chú lớn tuổi đang ngồi uống rượu và kể chuyện Đà Lạt xưa. Nghe câu chuyện hấp dẫn, chúng tôi xin phép nhập bàn để được tìm hiểu thêm về Đà Lạt. 2 Chú sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến sự thay đổi của cao nguyên Lâm Viên.
Theo các chú, vùng đất này từ xa xưa là nơi cư trú của người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Cuối thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Pháp đã thực hiện những chuyến đi xuyên sâu vào vùng đất này. Người tiên phong là bác sĩ Paul Néis và trung úy Albert Septans với chuyến thám hiểm năm 1881.
Năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin tiến hành khảo sát một tuyến đường từ Sài Gòn, qua vùng đất của người Thượng và kết thúc ở một địa điểm trên bờ biển Trung Kỳ. Ngày 21/6/1893, trên hành trình thám hiểm, Alexandre Yersin đã tới cao nguyên Lâm Viên.
Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer cùng Alexandre Yersin tiến hành khảo sát, tìm địa điểm để xây dựng nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương. Cao nguyên Lâm Viên, với độ cao thích hợp, diện tích đủ rộng, nguồn nước bảo đảm, khí hậu ôn hòa và có thể thiết lập đường giao thông đã được lựa chọn. Tuyến đường bộ và đường sắt nối cao nguyên Lâm Viên với các tỉnh miền xuôi cũng được nghiên cứu.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được khởi công xây dựng từ năm 1908. Năm 1916 hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn Tháp Chàm – Xóm Gòn (38km). Năm 1917 được nối dài đến Sông Pha (Krông Pha, dưới chân đèo Ngoạn Mục). Năm 1932, tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt hoàn thành, chính thức đi vào hoạt động. Tuyến đường kết nối với tuyến Bắc Nam tại ga Tháp Chàm.
Để tàu vượt qua được các đoạn đèo dốc, các đầu máy của đoàn tàu được lắp thêm những bánh răng cưa và đường sắt cũng có răng cưa. Toàn tuyến có 16 km đường sắt răng cưa, vượt độ cao 1.500m với độ dốc thường xuyên 12%. Các đầu máy tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt là đầu máy hơi nước hiệu Fuka của Thuỵ Sĩ.
Thời Pháp, tàu lên Đà Lạt chủ yếu chạy tuyến Đà Lạt – Nha Trang và Đà Lạt – Sài Gòn. Hành khách chủ yếu cho người Pháp và quan chức người Việt đi Đà lạt nghỉ dưỡng. Nhà ga Đà Lạt được hoàn thành vào năm 1938 với ba mái vút cao xuất, mô phỏng ngọn núi Langbiang (cụm núi cao ở cao nguyên Lâm Viên, là “nóc nhà” của Đà Lạt).
Năm 1972, do chiến tranh diễn ra ác liệt, tuyến đường sắt đã bị ngưng hoạt động. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, tuyến đường Tháp Chàm – Đà Lạt hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, do lượng khách và hàng hoá ít, hiệu quả kinh tế thấp, mặt khác, giai đoạn này lực lượng Fulro hoạt động mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên, làm mất an toàn các đoàn tàu nên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn hoạt động.
Năm 1986, tuyến đường bị tháo dỡ. Năm 2004 cầu đường sắt D’ran bị tháo dỡ, chính thức xóa sổ tuyến đường Tháp Chàm – Đà Lạt. Hiện nay, tuyến đường chỉ còn một đoạn ngắn 7km Đà Lạt – Trại Mát phục vụ khách du lịch.
Gần đây, nhà nước đang nghiên cứu khôi phục lại tuyến đường trên cơ sở tuyến đường cũ trước đây. Tuy nhiên cho đến nay, mọi ý tưởng vẫn còn đang nằm trên giấy. Hy vọng sẽ được đi trên chuyến tàu huyền thoại Tháp Chàm – Đà Lạt của các chú chắc còn xa.
Đêm đã khuya, các bà vợ cũng đã bắn tin sẽ chốt cửa, không cho vào. Chúng tôi vội chia tay các chú, trở về khách sạn, giữ sức cho chương trình ngày mai của đoàn.
Hôm sau đoàn chúng tôi đi tham quan một số điểm, trong đó có ga Đà Lạt, đi tàu đến Trại Mát và tham quan chùa Linh Phước (còn gọi là chùa Ve Chai – một kiến trúc Phật giáo đặc sắc ở Đà Lạt, gần ga Trại Mát).
Tôi gọi Tổng đài bán vé tàu hoả 1900 636 212 thì được biết đoạn đường sắt Đà Lạt – Trại Mát hiện do chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn – tổng công ty đường sắt Việt Nam quản lý và khai thác, chỉ phục vụ khách du lịch, không chở hàng hoá.
Ga Đà Lạt vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, toa tàu cũng được thiết kế giống với toa tàu cổ cách đây gần 100 năm. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là toàn tuyến có đường ray trơn, giống như các đường ra thường thấy. Không có khúc đường răng cưa đặc trưng nào của tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt. Đầu máy là loại “đời mới”, không phải đầu hơi nước Fuka với những bánh răng cưa hồi trước. Thật đáng tiếc.
Theo các chú hôm qua, năm 1986 ngành đường sắt bắt đầu tháo dỡ tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, một công ty của Thụy Sĩ đã mua các đầu máy và các toa tàu cũ, vận chuyển về Thụy Sĩ. Chúng được tu sửa và đưa vào phục vụ du khách trên tuyến đường dài 25km vượt qua dãy Alps. Một cách làm du lịch đáng để chúng ta học hỏi.
Giá vé cho chuyến tàu Đà Lạt – Trại Mát là 88.000 đồng và 98.000 đồng/vé. Nếu mua khứ hồi sẽ được giảm giá 25%, mua theo đoàn đông có thể giảm tới 40%.
Mất 30 phút cho quảng đường 7km, tàu chạy chậm, các cô thích thú với vẻ đẹp lãng mạn của Đà Lạt qua khung cửa sổ, ngắm nhìn đồi thông, vườn hoa đủ sắc màu, vườn rau xanh ngát… Mọi người đua nhau “sáng tác” những bức ảnh “check-in” làm kỷ niệm, khoe với bạn bè trên Facebook.
Đoàn chúng tôi kết thúc chuyến tham quan Đà Lạt. Trên đường về lại TP. Hồ Chí Minh, tôi cứ ngẩn ngơ, suy nghĩ về nỗi niềm của các chú trong một quán nhậu. Hy vọng rằng, Đà Lạt sẽ phục hồi, lưu giữ được vẽ đẹp thơ mộng, bình yên. Mãi là nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng như vốn có ban đầu của nó.
Ký sự tàu hỏa số 05